Cẩn bạch nhân lễ tưởng niệm Chung Thất Trưởng Lão Thích Quảng Độ

NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT

Ngưỡng bạch Cố Hòa Thượng Ân Sư.

Than ôi!
Nước chảy đôi dòng,
Thuyền không bến đỗ.

Nước chảy đôi dòng, dòng lệ, dòng đời, hay dòng sông đất khổ,
Thuyền không bến đỗ, bến này, bến nọ, hay bến bãi phù hư.

Dòng nào rồi cũng trở về biển tánh Tỳ-lô,
Bến nào rồi cũng bước lên bờ tâm Bát-nhã.

Nhưng giữa cuồn cuộn sóng trào của thị phi nhân ngã, của thế lực cường quyền, con thuyền độc mộc nhồi trên ngọn sóng, bậc hoa tiêu vẫn giữ vững tay chèo, kiên trung và vô úy. Đó là hình ảnh tuyệt trù của bậc Cao Tăng Phật Giáo Việt Nam giữa ba đào thế thái: Trưởng Lão Thích Quảng Độ, Đức Đệ Ngũ Tăng Thống Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất.

Nhớ Giác Linh xưa!

Ngày 27 tháng 11 năm 1928 – Mậu Thìn,
Xã Nam Thanh, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình thác chất.
Vân thủy tam thiên cô đọng thành thể chân tâm siêu phương xuất thế,
Pháp môn tám vạn lưu xuất nên trang hành giả ẩn mặt tuyệt trù.
Đương lúc quê hương khói lửa mịt mù,
Giữa chốn trần lao đa đoan triền phược,
Người lên đường hành cước.

Mấy năm vân du xứ Ấn, tìm lại uyên nguyên Chánh Pháp. Rồi khi đất nước sạch bóng thực dân, đạo lý dân tộc tưởng có cơ duyên tái lập. Nhưng cùng lúc ấy, tham vọng bá quyền chia hai thế giới, đang đẩy dân Việt vào một cuộc chiến huynh đệ tương tàn, được khoác cho danh hiệu tiền phong của những ý thức hệ không tưởng và một thiên đường hạ giới độc tôn.

Bấy giờ Ngài trở về Nam, góp sức cùng Chư Tôn phục hưng Chánh Pháp, khơi lại cội nguồn đạo lý Tổ Tiên. Hướng đi văn hóa giáo dục, dựng lại những gì đã sụp đổ, tài bồi thế hệ tương lai, xây dựng đất nước trong hòa bình an lạc, dân tộc Bắc-Nam cùng chung một hướng.

Không bao lâu, Pháp Nạn 1963 bùng nổ, Tăng Đồ khắp nước lao tù. Ngài bị bắt giam, bị tra tấn tàn bạo. Sau khi qua cơn Pháp Nạn, Ngài cùng với các hàng tri thức Phật Giáo miền Nam, Tăng cũng như Tục, trong môi trường giáo dục Đại Học, hiệp lực xây dựng, phát huy truyền thống dân tộc trước nguy cơ xâm thực của chủ nghĩa vô thần và độc thần, đang làm tan rã tình tự dân tộc Bắc-Nam.

Năm 1974 tại Đại Hội kỳ 6, Ngài được đề cử đương vị Tổng Thư Ký Viện Hóa Đạo Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất. Với tổ chức quy mô rộng lớn của Giáo Hội, đấy là lúc Ngài có thể làm gạch nối, đưa những thành tựu văn hóa giáo dục từ Đại Học vào thực tế xã hội, làm cơ sở xây dựng đất nước.

Thành tựu ấy chưa được bao lâu, đất nước thống nhất, hòa bình tái lập dưới chính sách cai trị khắc nghiệt của chế độ vô sản chuyên chính, cả nước lâm vào cảnh đói nghèo gần như tuyệt vọng, hàng vạn người bỏ nước ra đi, mặc cho số mạng trước ba đào sóng dữ. Đây là lúc chính sách nhất Tăng nhất Tự được ban hành; các cơ sở giáo dục và từ thiện của Phật Giáo bị giải tán, tịch thu, chùa chiền được sung công làm cơ sở Hợp Tác Xã. Phật Giáo miền Nam được đặt trước viễn ảnh của miền Bắc, Phật Giáo chỉ phảng phất trong những hủ tục, mê tín dị đoan.

Trong cương vị lãnh đạo với danh hiệu Tổng Thư Ký, Ngài vẫn giữ vững lập trường, không khuất phục cường quyền, không giải tán cơ cấu Giáo Hội để trở thành một chùa nhỏ trong quận Mười – Sài Gòn.

Sau gần mười năm khống chế, bạo lực không thể khuất phục quảng đại Phật Tử tín tâm bất thối, chính quyền thay đổi sách lược. Một Giáo Hội mới được thành lập, thay thế Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, với tư cách là thành viên của Mặt Trận Tổ Quốc, tổ chức ngoại vi của đảng Cộng Sản để tập hợp quần chúng, làm chỗ dựa vững chắc cho chế độ trong quần chúng. Hòa Thượng vẫn kiên trì đường lối của Giáo Hội, không xu phụ quyền thế, không làm thành viên cho bất cứ tổ chức chính trị nào. Từ đó, Hòa Thượng trở thành trọng lực chống lại chính sách dùng Phật giáo như là công cụ bảo vệ chế độ.

Cũng từ đó cho đến năm 1998, Ngài trải qua các thời lưu đày biệt xứ, bị quản thúc tại gia, bị tù đày trong các lao ngục từ Nam cho đến Bắc.

Năm 1998, dưới áp lực của những vận động quy mô trong các phong trào nhân quyền, tự do tôn giáo trên thế giới, chính quyền phải phóng thích Hòa Thượng. Tuy trở về đời sống sinh hoạt bình thường, nhưng Ngài vẫn bị chính quyền cô lập, quản chế nghiêm ngặt bằng khẩu lệnh tại một ngôi chùa giữa trung tâm Sài Gòn. Định lực vô úy, Ngài cùng với Hòa Thượng Huyền Quang kiên trì lập trường của Giáo Hội, vận động phục hoạt Giáo Hội, triệu tập Đại Hội 8 bất thường tại Hoa Kỳ với sự tham gia của các vị Tôn Túc vốn là thành viên của Giáo Hội đang lưu vong tại các quốc gia Mỹ, Canada, Úc, châu Âu. Từ Đại Hội này, Hòa Thượng Thích Huyền Quang được suy tôn đương vị Xử Lý Viện Tăng Thống, Hòa Thượng Thích Đức Nhuận Cố Vấn Ban Chỉ Đạo Viện Hóa Đạo, Hòa Thượng Thích Quảng Độ Viện Trưởng Viện Hóa Đạo, Thượng Tọa Thích Tuệ Sỹ Phó Viện Trưởng Viện Hóa Đạo kiêm Tổng Thư Ký Viện Hóa Đạo. Giáo Hội được khôi phục, tuy chỉ với cơ sở khung, nhưng trong thực tế đã xứng đáng với vai trò lãnh đạo trong sứ mệnh đấu tranh cho phẩm giá con người.

Cho đến tháng 10 năm 2003, sau Đại Hội bất thường tại Tu Viện Nguyên Thiều, cơ cấu Giáo Hội gồm cả hai Viện được hoàn bị, Hòa Thượng Thích Huyền Quang chính thức được suy tôn đương vị Đệ Tứ Tăng Thống, Hòa Thượng Thích Quảng Độ Viện Trưởng Viện Hóa Đạo. Tiếng nói của Giáo Hội đã gây ảnh hướng lớn trong và ngoài nước, trong các cộng đồng tự do nhân quyền trên thế giới.

Sau khi Hòa Thượng Thích Huyền Quang Đệ Tứ Tăng Thống viên tịch năm 2008, Hội Đồng Trưởng Lão Viện Tăng Thống suy tôn Ngài đăng lâm pháp tịch ngôi vị Đệ Ngũ Tăng Thống Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất. Trong cương vị lãnh đạo tối cao của Giáo Hội, Ngài đã đơn thân hướng đạo con thuyền Chánh Pháp không bị lạc lối.

Thời gian trôi qua, con thuyền Chánh Pháp trong tình cảnh vận nước ngửa nghiêng, nhân tâm ly tán:

Bao độ cà tan, cà nở nụ,
Mấy mùa lúa rụng, lúa đơm bông.
Năm tháng mỏi mòn đầu đã bạc,
Còn chút lòng son gởi núi sông.

Tháng 10 năm 2018, Ngài rời khỏi Thanh Minh Thiền Viện, nơi gắn bó bao năm trước và sau danh phận tù đày, trở về quê cũ Thái Bình. Hai tháng sau Ngài trở lại Sài Gòn, cư trú tại chùa Từ Hiếu cho đến ngày viên tịch. Dự tri thời chí, trước khi viên tịch, Ngài đã ban hành các Giáo Chỉ ổn định sinh hoạt Giáo Hội cùng với di chúc và ủy thác sứ mệnh cho người kế thừa mà Ngài tin tưởng và chọn lựa.

Ngưỡng bạch Giác Linh Hòa thượng!

Mình hài xưa đã cháy,
Còn lại bát tro tàn,
Với uy nghiêm Đạo Thống,
Xin nguyện giữ Cương Duy.

Ô hô!

Phương trượng Thanh Minh còn lưu hình lão hạc,
Thiền đường Từ Hiếu chưa ấm dáng cổ tùng.
Thế sự đa đoan, đảo điên nhân ngã,
Cõi đời phiền trược, đố kỵ tương tranh.

Người đã đến và đã đi, đi trong cõi tịch nhiên vô trụ, mà vẫn thường trụ trong lòng đất khổ.

Tro cốt của Người theo di nguyện sẽ hòa vào đại dương, cùng với sóng cả biển Đông theo con thuyền cứu khổ của Bồ-tát Nam Hải.

Bóng dáng uy nghiêm đã khuất, âm dung còn phảng phất không chỉ trong lòng những kẻ hữu duyên, mà trong cả Phật Giáo Việt Nam, trong cả tự tình dân tộc.

Giữa im lặng hồn nhiên, lòng người thổn thức,
Kính tiễn bậc Cao Tăng du phương trong Vô Trụ Xứ.
Xin dâng ba lạy này nguyên vẹn một tâm tang,
Kính nguyện Giác Linh Người cao đăng Phật Quốc.

NAM MÔ VIỆT NAM PHẬT GIÁO THỐNG NHẤT GIÁO HỘI ĐỆ NGŨ TĂNG THỐNG THƯỢNG QUẢNG HẠ ĐỘ TRƯỞNG LÃO HÒA THƯỢNG GIÁC LINH THÙY TỪ NHÃ GIÁM.

Khể thủ lễ túc Giác Linh Hòa Thượng!
Môn hạ thị lập – Tỳ-kheo Thích Tuệ Sỹ