Năm nay, Mother’s Day ở Úc nhằm vào Chủ Nhật, ngày 14 tháng 5. Đồng hành cùng những người con hiếu thảo đang sinh sống trên đất nước Úc Đại Lợi. Gia Đình Phật Tử chúng ta cũng long trọng tổ chức ngày tri ân, tưởng niệm công đức của những người Mẹ.
Nghĩ lại đêm qua. Với tất cả tấm lòng thương nhớ, trộn lẫn những xúc động, bồi hồi. Tôi đã lắng lòng nghe đi nghe lại bài Lòng Mẹ, nhạc của Y Vân, do ca sĩ Thanh Thúy trình bày. Bài hát nầy, cho dù đã được nghe đi nghe lại có đến cả trăm lần trong nhiều năm qua. Nhưng mỗi lần nghe lại, tôi vẫn không ngăn được dòng nước mắt pha lẫn bùi ngùi. Tôi vẫn nghĩ rằng, những lời lẽ dùng trong nhạc phẩm để diễn tả tấm lòng bao la của Mẹ cho dù có cố gắng cách mấy, cũng chỉ là sự gượng ép, vì ngôn ngữ chỉ có giới hạn, làm sao có thể diễn tả tấm lòng thương con bao la của Mẹ.
Tôi tự đặt ra các câu hỏi:
Trong chúng ta, có ai là không có Mẹ? Câu hỏi thật dở phải không? Ai cũng phải cần có Mẹ mới được sinh ra chứ. Vì nếu không có Mẹ, thì làm sao ta có mặt trên cõi đời nầy.
Trong chúng ta, có ai là không thương Mẹ? Lại thêm một câu hỏi ngớ ngẫn khác. Bởi vì con thương Mẹ là một bản năng. Đã gọi là bản năng thì tự nó vốn đã là như thế. Giống như sự hô hấp, đói, no, ngủ nghỉ, ăn uống, bài tiết… là tự nhiên, sinh ra là biết, không cần ai dạy, không cần phải học, cho nên gọi đó là bản năng. Hễ cứ làm con, ai cũng thương Mẹ hết. Đến cả loài vật như con khỉ, con chó, con mèo, con gà, con vịt, chim muông, cho đến những loài ác thú ăn thịt như cọp, beo, sư tử… khi mới được sinh ra, con lúc nào cũng thương Mẹ, quấn quít bên Mẹ để được thương yêu, nuôi nấng, che chở, để mới có thể tồn tại trước bão tố của cuộc đời. Thêm vào đó, không giống như các loài vật khác, con người là một sinh vật đặc biệt yếu đuối. Khi mới sinh ra, tuyệt nhiên con người cần phải có Mẹ mới có thể sống còn. Nếu không có Mẹ bên cạnh, con người sẽ chết.
Như vậy, con thương Mẹ là điều hiển nhiên như là một bản năng. Các nhà khoa học
đã từng khám phá ra rằng, trải dài qua hàng trăm ngàn năm tiến hóa, cho đến bây
giờ con người vẫn còn giữ được thú tính, đó là trong sâu thẳm của tiềm thức, đứa
con vẫn không bao giờ quên được hơi hướm của Mẹ mình.
Đã rõ là như vậy. Cho dù trải qua bất cứ hoàn cảnh nào thì trong chỗ sâu kín nhất của lòng đứa con vẫn khắc sâu hình ảnh và những cảm xúc êm đềm, gần gũi, ấm áp về người mẹ của mình. Chuyện kể, có một người điệp viên, trái tim đã được trui luyện đến mức vô cảm, không còn biết xúc động, “trơ như đá, cứng như thép”. Khi bị sa vào tay kẻ thù, cho dù bị kèm cặp, tra tấn với những cực hình tàn khốc nhất, thậm chí đến móc mắt, cắt tai, xẻo lưỡi, rút gân, lóc thịt… vẫn không hé môi cung khai một lời nào. Nhưng trước khi trút hơi thở cuối cùng, trong chốn vô thức vẫn buột miệng kêu lên hai tiếng: Mẹ ơi!
Nhìn quanh đây, trong chúng ta, ai cũng thương Mẹ. Đó là một diễm phúc trong cuộc đời của những đứa con. Nhưng có ai biết đến ơn nghĩa và kính trọng Mẹ? Trả lời cho câu hỏi nầy xem ra không dễ. Vì sao? Khác với lòng thương Mẹ như một bản năng, nhưng muốn có lòng tôn kính, biết ơn thì cần phải tư duy, quán chiếu, mới có thể biết vì sao đứa con cần phải biết ơn và tôn kính đối với Mẹ mình.
Hiếu Kinh của Nho giáo đã viết: Tôn kính cha Mẹ là gốc của sự hiếu thuận; mà hiếu thuận là gốc của đạo đức (Phù hiếu, đức chi bổn dã). Nhiều người nghĩ rằng, hễ cứ nuôi dưỡng, cung phụng cho cha mẹ đầy đủ, cuối tuần đều dẫn đi ăn, mua sắm cho thật nhiều, năm nào cũng đưa cha mẹ đi du lịch… Như vậy là đã thể hiện được lòng tôn kính, hiếu thuận. Đây là sự u mê, dại khờ hết sức đáng tiếc. Trong Thiên Vi Chính, sách Luận Ngữ đã ghi lại câu chuyện: Có người học trò tên là Tử Du hỏi đức Khổng Tử về đạo hiếu. Đức Khổng Tử đáp rằng: “Chữ hiếu ngày nay là nói nuôi được cha Mẹ, nhưng đến con chó, con ngựa, cũng có người nuôi. Cho nên nếu nuôi mà không kính trọng, thì lấy gì mà phân biệt” (Tử Du vấn hiếu, Tử viết: “Kim chi hiếu giả, thị vị năng dưỡng. Chí ư khuyển mã, giai năng hữu dưỡng, bất kính, hà dĩ biệt hồ”?). Xem như vậy thì đã rõ: Ngoài lòng thương, phận làm con cần phải biết tri ơn và kính trọng cha mẹ của mình.
Ngày xưa, khi tiến cử người hiền lên cho vua để được vua cử ra làm quan giúp nước. Việc đầu tiên, vua xem tướng mạo người ấy thế nào. Kế đến, vua hỏi ông có tài gì? Sau cùng, vua hỏi: “Ông có phải là người con hiếu thảo với cha Mẹ hay không?” Bởi vì nếu đã là người bất hiếu, bất nghĩa với chính cha mẹ là người đã sinh đẻ ra mình, thì làm sao có thể trung với vua, hiếu với dân và làm tròn đạo nghĩa với quốc gia, xã hội?
Như trên đã nói, khi mới được sinh ra, con cần phải có Mẹ mới có thể tồn tại. Mẹ quằn quại đau đớn “banh da xẻ thịt” sinh đẻ ra con. Mẹ cho con bú mớm, ẳm bồng, nâng niu. Mẹ đút cho con ăn
những muỗng cơm đầu tiên. Mẹ vui mừng biết bao khi thấy con cười, khi nghe con nói những tiếng ê a vô nghĩa. Mẹ dắt con đi những bước chập chững đầu đời. Mẹ xuýt xoa đau đớn khi con vấp ngã. Mẹ thương yêu, đùm bọc, lo lắng, che chở. Mẹ là người thầy đầu tiên của con trong cuộc đời nầy… Ôi! Kể làm sao cho hết công ơn của Mẹ. Đó là lý do phận làm con phải biết hiếu thuận, tôn kính đối với Mẹ mình.
Nhìn vào thực tế ngày nay, thật đáng hận, đáng tiếc biết bao khi thấy những đứa con phần lớn đều là phường bất nghĩa, bất hiếu. Thử đơn cử ra đây một việc: Trong văn hóa và tập quán của người Tây phương rất coi trọng ngày sinh nhật (birthday). Sống ở Úc, không ít thì nhiều, hàng năm ai cũng tổ chức kỷ niệm sinh nhật của mình, nhớ rất kỹ ngày sinh của vợ hay chồng mình, của con mình, người yêu của mình, với tiệc tùng cùng bạn bè, bánh trái, hoa quả, đèn nến, với những cánh thiệp trân trọng cùng những lời chúc mừng vui tươi ấm áp nhất. Nhưng đã có mấy ai đến ngày sinh nhật mà biết dành vài phút để nghĩ đến mẹ của mình, cũng vào ngày nầy năm xưa đã sinh đẻ ra mình, với biết bao đau đớn, hãi hùng, với biết bao hy vọng, lo âu… Để biết nên mua một món quà nhỏ, hay biết nói lên một lời chân thành tự đáy lòng để tri ơn đối với Mẹ.
Cho dù Mẹ có là người dốt nát, quê mùa, ít học. Mẹ xấu xí, vụng về… Nhưng Mẹ đã làm được một việc vô cùng kỳ diệu, mà đứa con mãi mãi không thể vượt qua được. Đó là Mẹ đã sinh ra con một cách lành lặn. Mẹ đã nuôi nấng, che chở, uốn nắn cho con nên người. Mẹ đã dành cho con tất cả tình thương vô bờ bến, vô phân biệt, vô giới hạn, vô điều kiện. Tình thương như vậy chỉ có ở những vị Bồ Tát. Nhưng Bồ Tát là siêu việt, xuất thế gian, Bồ Tát xa xôi quá. Cho nên trong lòng con, chỉ có Mẹ mới thật sự là hiện thân của Bồ Tát trong cõi đời nầy.
Trên cuộc đời nầy, được làm đứa con của Mẹ là một diễm phúc, là điều may mắn
lớn lao nhất trong cuộc đời con.
Mãi mãi, hình ảnh của Mẹ vẫn là hình ảnh thiêng liêng cao quý nhất, đi theo con trong suốt cả cuộc đời.
Con vô cùng biết ơn. Con thương nhớ Mẹ nhiều lắm. Mẹ ơi!
“A mother holds her children’s hands for a while, their hearts forever”
HTr Tâm Lễ